Tự nhận thức – Self-Awareness – chính là cách một cá nhân nhận biết và thấu hiểu tính cách, cảm xúc, động cơ và mong muốn của chính mình một cách có ý thức (Wikipedia). Sự tự nhận thức giúp một người tập trung vào bản thân và cách hành động, suy nghĩ hoặc cảm xúc của người đó phù hợp hoặc không phù hợp. Nếu bạn tự nhận thức cao, bạn có thể đánh giá bản thân một cách khách quan, quản lý cảm xúc của mình, điều chỉnh hành vi của bạn với các giá trị tương ứng và hiểu chính xác cách người khác nhìn nhận về bạn.

Nói một cách đơn giản, những người có khả năng tự nhận thức cao có thể diễn giải hành động, cảm xúc và suy nghĩ của họ một cách khách quan.
Ngược lại, nếu bạn đã từng gặp một người có phản ứng thái quá với một sự việc, hoặc họ thường luôn nghĩ họ là nạn nhân mà không nhận ra họ là một phần của vấn đề. Đây có thể là một ví dụ về thiếu sự tự nhận thức – Low Self-Awareness.
Trong một bài thống kê, trong khi 95% những người tham gia nghĩ họ nhận thức được bản thân, chỉ có 10-15% trong số đó thực sự có khả năng đó. Điều này đồng nghĩa với việc trong những tình huống xã hội, hoặc nơi công sở, trường học, bạn sẽ có thể sẽ rơi vào những mối quan hệ toxic mà sự Thiếu nhận thức về bản thân của người kia là nguyên nhân. Khi bạn ở trong một mối quan hệ như vậy, nó không chỉ làm hại cho sức khỏe tinh thần của bạn mà hơn hết, nó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách của bạn.
Do đó, bài viết này sẽ tập trung vào vấn đề giúp bạn nhận ra những người thiếu sự tự nhận thức thông qua một vài điểm nhận biết và cách để bạn ứng phó trong những mối quan hệ với người tự nhận thức thấp (Low Self-awareness).
Dấu hiệu nhận biết người tự nhận thức thấp
1. Họ nghĩ họ luôn đúng
Khi một người thiếu nhận thức về bản thân, họ khó có thể nhận ra góc nhìn khách quan của một vấn đề, nếu ai đó không đồng ý với họ, phản ứng của họ có thể là nhấn mạnh vào tuyên bố của chính họ thay vì lắng nghe và thừa nhận rằng người khác có thể không có lỗi. Ngược lại khi bị chỉ trích, họ thường đổ lỗi cho người khác hoặc tìm lý do để giải thích tại sao họ làm những việc đã làm.

2. Họ thường nói ra những lời chỉ trích hoặc bình luận tiêu cực
Những người thiếu nhận thức về bản thân thường nói ra suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu họ mà không cân nhắc trước về các yếu tố xã hội. Thông thường, những bình luận này là quá khắc nghiệt hoặc chỉ trích người khác. Họ thậm chí có thể bị những người xung quanh coi là kẻ bắt nạt. Bởi vì không hiểu cách người khác nhìn nhận mình, những người này có thể không nhận ra rằng những bình luận của họ có thể gây tổn thương. Thông thường, kiểu người này có thể tự vệ bằng cách nói rằng họ là kiểu người trung thực hoặc thẳng tính.
3. Họ thường có xu hướng kiểm soát
Người thiếu tự nhận thức có xu hướng tin rằng bất cứ điều gì cần phải làm, họ là người giỏi nhất để làm. Họ tin rằng họ biết cách duy nhất đúng để làm mọi việc và họ là người duy nhất có thể lãnh đạo hoặc đào tạo người khác. Ví dụ, tại nơi làm việc, người thiếu tự nhận thức sẽ có xu hướng quản lý quá mức (over-management) các nhân viên khác và khăng khăng rằng mọi người phải hoàn thành nhiệm vụ bằng phương pháp của họ, ngay cả khi phương pháp của họ có thể không phù hợp với người khác hoặc trong tình huống đó.
4. Xung quanh họ có rất nhiều Drama
Các sự việc ở góc nhìn của họ đều bị phóng đại hoặc biến thành drama là một dấu hiệu phổ biến cho thấy một người nào đó thiếu nhận thức về bản thân. Khi họ không hiểu cách họ thể hiện mình với người khác, họ có xu hướng cường điệu vấn đề khi họ cố gắng truyền đạt quan điểm với bạn. Họ cũng xuất hiện trong nhiều drama nhưng không nhận ra rằng họ chính là nguyên nhân thực sự của nó và coi mình là nạn nhân của mọi drama xung quanh họ.
5. Bốc đồng và thường đưa ra các quyết định tự phát
Khi một người nhận thức được bản thân, họ biết mục đích và mục tiêu của mình. Ngược lại, người thiếu tự nhận thức thường đột ngột đưa ra các quyết định mang xu hướng cảm tính khi đứng giữa các lựa chọn.

Cách để đối phó với những người tự nhận thức kém
Từ “đối phó” có thể hơi tiêu cực nhưng hãy nghĩ rằng, cách bạn phản ứng trong các mối quan hệ toxic như thế này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm lý của bạn, vì vậy, hãy cân nhắc một trong số những hướng xử lý như sau để tốt hơn cho bạn, cũng như người kia.
1. Hãy hiểu về sự tự nhận thức
Biểu hiện: Người thiếu tự nhận thức thường không thấy được khuyết điểm của mình, không nhận ra cảm xúc của người khác, và có thể vô tình gây khó chịu với người xung quanh.
Nếu bạn đã đọc tới đây, có lẽ bạn đã có những hiểu biết nhất định về self-awareness, hãy nhắc nhở bản thân rằng hành vi của họ (như bắt lỗi liên tục) có thể không phải là cố ý nhắm vào bạn, mà là do họ không nhận thức được cách họ ảnh hưởng đến người khác.
Điều này giúp bạn bớt cảm thấy bị công kích cá nhân và giữ bình tĩnh khi tương tác.
2. Đừng cố chỉ trích ngược lại họ
Khi bạn bị chỉ trích và cố gắng giải thích cho họ thấy về lỗi sai của họ hay trình bày quan điểm của bạn, họ sẽ chỉ tìm một lý do và phủ nhận những gì bạn nói, và cuộc hội thoại có thể đi đến ngõ cụt, thậm chí có thể dẫn ra cuộc tranh cãi lớn hơn mà không giải quyết được gì. Vì vậy, hãy giữ thái độ trung lập, nếu đó thực sự là lỗi của bạn, hãy nhận sai, nếu đó không phải, hãy giải thích ngắn gọn.
3. Sử dụng phương pháp “Grey Rock” (Đá xám)
Để “grey rock”, một người phải làm cho mọi tương tác với họ trở nên vô vị và vô bổ nhất có thể, có nghĩa là đưa ra những câu trả lời ngắn gọn, trực tiếp cho các câu hỏi và tương tác từ người kia và che giấu những phản ứng cảm xúc đối với những điều đó.
Ý tưởng đằng sau kỹ thuật này là những người thiếu sự tự nhận thức, đặc biệt là những người có xu hướng ái kỷ, thích nhận được phản ứng từ nạn nhân của họ, kỹ thuật này giúp bạn trở nên “nhàm chán” trong mắt họ, giảm thiểu sự chú ý không mong muốn, đặc biệt khi họ hay bắt lỗi để thu hút phản ứng.. Một số cho rằng phương pháp grey rock làm giảm xung đột và lạm dụng, nhưng không có nghiên cứu nào xác nhận rằng nó có hiệu quả.

Một vài ví dụ để áp dụng phương pháp này:
- Trả lời ngắn gọn, không cảm xúc khi bị họ bắt lỗi. Ví dụ: “Ừ, mình hiểu” hoặc “OK, mình sẽ xem lại.”
- Tránh chia sẻ quá nhiều cảm xúc hoặc lý do cá nhân, vì họ có thể vô tình dùng điều đó để tiếp tục chỉ trích bạn.
- Giữ thái độ trung lập và khiến các cuộc hội thoại ngắn gọn.
4. Hãy luôn ưu tiên sức khỏe tinh thần của bản thân
Tại sao? Sống với người thiếu tự nhận thức có thể gây mệt mỏi, đặc biệt nếu bạn cảm thấy bị soi xét liên tục. Vì vậy, đừng quá bận tâm đến việc đó mà hãy ưu tiên cho những việc gì mang lại niềm vui và sự tích cực cho bạn.

Ví dụ như:
- Tìm không gian riêng để thư giãn, như ra ngoài, gặp bạn bè, hoặc tập trung vào sở thích cá nhân.
- Thực hành tự chăm sóc bản thân (self-care), như viết nhật ký, thiền, hoặc tập thể dục, để giữ tâm trạng tích cực.
- Nếu cảm thấy quá tải, hãy chia sẻ với bạn bè hoặc người thân để được hỗ trợ tinh thần. Họ có thể cho bạn thấy góc nhìn khách quan hơn cũng như ủng hộ tinh thần cho bạn.
5. Giải pháp cuối cùng: Hãy loại bỏ một mối quan hệ toxic
Nếu hành vi của họ ngày càng liên tục và trở nên quá đáng và gây ảnh hưởng lớn đến bạn, hãy kiếm chế cơn tức giận vì bạn luôn có thể chọn một giải pháp bền vững hơn. Bạn có thể trực tiếp kết thúc mối quan hệ độc hại này, trong lúc chưa thể rời đi, hãy giảm tương tác không cần thiết, như hạn chế thời gian gặp mặt hoặc tránh các cuộc trò chuyện không cần thiết.
Khi kết thúc, bạn có thể lựa chọn một cuộc nói chuyện trực tiếp hoặc gián tiếp, hãy tập trung vào cảm xúc của bạn thay vì kể lễ mọi chuyện. Đồng thời cố gắng sắp xếp trước đó sao cho các bạn có thể tránh (giảm) gặp mặt họ sau khi mối quan hệ kết thúc.

Nếu các bạn đọc bài này để hiểu thêm kiến thức, mình hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích, còn nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề mà bạn hiện tại đang gặp phải, chúc bạn may mắn khi áp dụng những phương pháp này nhé, hãy luôn vui, đừng để tâm quá nhiều.