Chưa phân loại · 24/01/2021 0

[Sưu tầm] Tài chính cá nhân / Tài chính gia đình (Phần 2)

Bài này mình tìm thấy trên mạng và cảm thấy rất bổ ích và quan trọng với tất cả các bạn trẻ, vì vậy xin được phép chia sẻ lại lên blog này. Cám ơn bác kimiquy

Lưu

[Sưu tầm] Tài chính cá nhân / Tài chính gia đình (Phần 1)

4. Đầu tư (Investing)
Được rồi, vậy chúng ta sẽ làm gì với phần 40-70% thu nhập tiết kiệm hàng tháng? Đầu tư hay chôn dưới chân giường? Vì tiền mất giá do lạm phát, nên chôn tiền dưới gầm giường đồng nghĩa với việc vứt tiền qua cửa sổ. Vì vậy chúng ta cần đầu tư:D

Quản trị rủi ro

Trước khi đầu tư, mình muốn nói 1 chút về quản trị rủi ro. Ở đây mình sẽ không nói về các thuật ngữ chuyên môn như rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, v.v, mà muốn tập trung vào 2 yếu tố chính mọi người cần phải hiểu rõ trước khi bắt tay vào đầu tư, đó là khả năng chịu rủi ro và mức độ sẵn sàng chịu rủi ro của bản thân/gia đình.

Khả năng chịu rủi ro là 1 yếu tố có thể đo lường được 1 cách khách quan, dựa trên hoàn cảnh của mỗi cá nhân/gia đình. Các yếu tố thường được cân nhắc đến bao gồm độ tuổi, sức khỏe,mức thu nhập, tài sản hiện tại, nợ hiện tại. Nguyên tắc cơ bản là càng trẻcàng khỏethu nhập càngcaotài sản càng nhiềunợ càng ít thì khả năng chịu rủi ro càng lớn và ngược lại. Với các đối tượng chính mà thớt này mình muốn nhắm đến như trình bày ở phần II (U35, làm công ăn lương, gia đình cơ bản, v.v), khả năng chịu đựng rủi ro sẽ nằm đâu đó trong khoảng từ trung bình cho đến khá.

Trái ngược với khả năng chịu đựng rủi ro thì mức độ sẵn sàng chịu rủi ro lại là 1 yếu tố chủ quan, tùy thuộc vào tính cách mỗi người. Có những người sinh ra ở vạch đích nhưng lại chỉ thích an toàn, cũng có những người nợ nần đầy mình nhưng vẫn muốn vay thêm tiền đánh con cổ phiếu FLC hi vọng x10 tài khoản. Ở đây không có đúng và sai, tuy nhiên việc phân biệt khả năng chịu rủi ro (khách quan) với mức độ sẵn sàng chịu rủi ro (chủ quan) là để trước khi chúng ta quyết định làm điều gì theo ý kiến chủ quan thì cũng nên nhìn lại những yếu tố khách quan khác để cân nhắc xem liệu ý kiến chủ quan của mình có phù hợp hay không. Ví dụ như trên nếu đang nợ nần thì nên xem lại kế hoạch thu nhập, chi tiêu, tích lũy, trả nợ của mình thay vì cố đấm ăn xôi all-in vào 1 con cổ phiếu hi vọng đổi đời. Hoặc nếu vẫn muốn cố thì cũng được, chủ quan mà :)

Lãi kép

1593494197129.png

Mình hi vọng là mọi người đều hiểu thế nào là lãi kép và lợi ích của nó. Nếu chưa thì có thể hiểu đơn giản lãi kép là lãi mẹ đẻ lãi con, còn lãi đơn là lãi chỉ tính trên phần gốc ban đầu. Như bảng minh họa trên nếu chúng ta đầu tư 1 tỷ, lợi nhuận 10%/năm sau 5 năm không rút lãi sớm (lãi kép) thì chúng ta sẽ có 1.464 tỷ, còn nếu năm nào chúng ta cũng rút lãi ra và chỉ để lại gốc thì sau 5 năm (lãi đơn) chúng ta sẽ chỉ có 1.4 tỷ, ít hơn 64 triệu so với trường hợp lãi kép.

*LÃI KÉP LÀ LÍ DO VÌ SAO CHÚNG TA CẦN TÍCH LŨY VÀ ĐẦU TƯ KỶ LUẬT ĐỂ CÓ THỂ TỐI ĐA HÓA TÀI SẢN CỦA MÌNH TRONG DÀI HẠN*.

Các nguyên tắc cơ bản trong đầu tư

Như mình đã nói ở trên, thớt này mình muốn chia sẻ với mọi người cách làm giàu chậm, chứ ko phải chia sẻ mua miếng đất này đánh con coin kia để x2 x3 tài khoản qua đêm. Lưu ý là ở đây mình ko nói làm giàu nhanh hay làm giàu chậm tốt hơn, làm giàu thế nào là lựa chọn của mỗi người, chỉ là mục đích của thớt này tập trung vào làm giàu chậm còn làm giàu nhanh thì mình không dám múa rìu qua mắt các winner trong VOZ này :D Những nguyên tắc mình chia sẻ dưới đây là để phục vụ mục đích làm giàu chậm này.

Nguyên tắc 1: Đa dạng hóa

Cái này chắc nhiều bạn cũng rõ rồi, đơn giản là chúng ta không nên bỏ trứng vào một giỏ. Một cơ cấu danh mục đầu tư đa dạng giữa các loại tài sản khác nhau, xác định rõ chiến lược phân bổ tài sản dài hạn (strategic asset allocation SAA), có thay đổi phân bổ tài sản chiến thuật (tactical asset allocation TAA) theo từng thời kỳ có thể giúp chúng ta tối đa hóa lợi nhuận đầu tư trong dài hạn. Ngoài ra, việc đa dạng hóa còn giúp chúng ta yên tâm về mặt tâm lý, không bị xao động khi thị trường bong bóng hay không bị hoảng loạn khi thị trường khó khăn, để dành thời gian công sức tập trung vào kiếm tiền thông qua công việc chính của mình. Nói dài dòng về tiết kiệm/đầu tư vậy thôi chứ cuối cùng kiếm tiền (bước 1) vẫn là quan trọng nhất, không có thu nhập thì sẽ không thể nào có tiết kiệm và đầu tư.

Phân bổ tài sản như thế nào thì phụ thuộc vào khả năng chịu rủi ro và mức độ sẵn sàng chịu rủi ro nói trên. Giả dụ 1 người có khả năng chịu rủi ro và mức độ sẵn sàng chịu rủi ro đều ở mức trung bình, thì SAA có thể là 35-50% vào tài sản rủi ro (cổ phiếu, coin, bđs, v.v), và 50-65% còn lại vào tài sản an toàn (tiền gửi, trái phiếu, vàng, v.v). Về TAA thì ví dụ năm 2020 kinh tế khó khăn vì đại dịch, thu nhập giảm sút, thị trường chứng khoán suy giảm thì có thể thay đổi cơ cấu phân bổ tạm thời còn 20-25% tài sản rủi ro và 75-80% tài sản an toàn để phòng vệ rủi ro. Sau khi dịch đi qua kinh tế trở về bình thường thì có thể tái cấu trúc lại về 35-50%/50-65% theo SAA như trên.

Nguyên tắc 2: Chỉ đầu tư vào những tài sản mà mình có hiểu biết về nó

Cái này thì cũng rõ ràng thôi, ví dụ nếu bạn không biết tí gì về coin, thì không nên đùng 1 cái ném vài trăm củ vào coin và cầu nguyện. Trong ngắn hạn, có thể bạn sẽ lãi 50-70% thật nếu may, hoặc cũng có thể bạn sẽ lỗ 50-70% nếu xui. Trong dài hạn, hành động như vậy khó có thể mang lại lợi ích lâu dài. Nếu muốn đầu tư vào coin khi chưa biết gì, hãy bắt đầu từ con số nhỏ trước, vừa làm vừa học tập nghiên cứu tìm hiểu dần dần.

Còn nếu bạn vẫn muốn liều ăn nhiều thì cũng không sao cả, như mình nói ở trên cái này là chủ quan tùy mỗi người 😊

Nguyên tắc 3: Bắt đầu càng sớm càng tốt

1593494254702.png

Giả dụ 1 người có tài sản ban đầu 500tr VNĐ, mỗi tháng tích lũy 30tr, lợi nhuận dự kiến 8%/năm. Nếu người này bắt đầu tích lũy từ năm 25 tuổi thì đến năm 50 tuổi tài sản sẽ là 5.6 tỷ, còn nếu bắt đầu tích lũy chậm 10 năm thì khi 50 tuổi tài sản sẽ chỉ có 2.4 tỷ. Đây chính là sức mạnh của lãi kép như mình trình bày ở trên và là lí do vì sao chúng ta cần phải bắt đầu càng sớm càng tốt, bạn nào chưa bắt đầu thì luôn và ngay đi chứ còn chờ đợi gì nữa?

Nguyên tắc 4: Giảm thiểu phí xuống mức thấp nhất có thể
Có nhiều sản phẩm đầu tư trên thị trường mà nhà đầu tư sẽ phải đóng phí. Ví dụ đầu tư cổ phiếu thì phải đóng phí giao dịch, thuế TNCN; đầu tư vàng thì sẽ có chệnh lệch giữa giá mua và giá bán; v.v Chúng ta thường có xu hướng nghĩ là 1 chút phí thì có đáng bao nhiêu đâu, tuy nhiên trong dài hạn phí là 1 thứ có thể làm giảm tích lũy tài sản của chúng ta 1 cách tương đối đáng kể.

1593494270537.png

Bảng minh họa trên sẽ giúp các bạn thấy ảnh hưởng của phí là lớn như thế nào trong dài hạn. Vì vậy nếu được hãy chọn những phương án đầu tư nào mà có phí thấp nhất có thể.


Phần tiếp theo sẽ là Các hiểu lầm thường gặp về tiết kiệm và đầu tư

Mời các bạn đọc thêm

kiến thức – Tài chính cá nhân/Tài chính gia đình | theNEXTvoz

nguồn