Chưa phân loại · 17/01/2021 1

[Sưu tầm] Tài chính cá nhân / Tài chính gia đình (Phần 1)

Bài này mình tìm thấy trên mạng và cảm thấy rất bổ ích và quan trọng với tất cả các bạn trẻ, vì vậy xin được phép chia sẻ lại lên blog này. Cám ơn bác kimiquy

Lưu

Mục đích của thớt này mình muốn chia sẻ với các bạn cách làm giàu chậm, thông qua việc chi tiêu kỷ luật + tiết kiệm/đầu tư hợp lý. Bạn nào muốn giàu nhanh thông qua việc kinh doanh/làm chủ, đánh con coin mua miếng đất hi vọng x10 tài khoản, hay xin viện trợ không hoàn lại từ OBZ Bank thì sẽ không phù hợp với những gì mình chia sẻ ở đây. Tất nhiên là giàu càng nhanh được thì càng tốt, tuy nhiên trong xã hội này số người có khả năng giàu nhanh như trên có lẽ chỉ chiếm không đến 20%; vì vậy mình hi vọng những gì chia sẻ ở thớt này có thể hữu ích cho 80% còn lại 😀

Khung nguyên tắc cơ bản của tài chính cá nhân/tài chính gia đình (Personal/Family finance framework)

Bộ khung này sẽ được chia làm 5 phần, tương ứng với 5 dòng tiền cơ bản của mỗi gia đình là: Thu nhập (Income), Chi tiêu (Spending), Tiết kiệm (Saving), Đầu tư (Investing), và Bảo vệ (Protection). Phần trọng tâm của cơ cấu tài chính cá nhân/gia đình mà mình muốn chia sẻ trong thớt này là phần Tiết kiệm và Đầu tư. Ngoài ra mình sẽ đá thêm 1 chút phần Bảo vệ, vì nó cũng liên quan đến nghề tay trái của mình như dưới sign 😀

OK bắt đầu nào.

1593493996427.png

1. Thu nhập (Income)


Phần này thực ra mình không có quá nhiều điều để nói, chỉ có 1 nguyên tắc chung đấy là thu nhập càng cao càng tốt (đương nhiên rồi :D). Làm thế nào để có thu nhập cao thì tùy thuộc vào mỗi người thôi, có thể cố gắng phấn đấu để được tăng lương thăng chức, có thể làm thêm các công việc ngoài giờ để đa dạng hóa nguồn thu nhập, v.v Nói chung phần này mình chịu, ko dám múa rìu qua mắt ai cả, kiếm tiền như thế nào cũng không phải mục đích chính của thớt này.

2. Chi tiêu (Spending)


Nguyên tắc của phần này thì cũng tương tự như trên thôi, đấy là chi tiêu càng ít càng tốt (okay :D). Ví dụ một số cách đơn giản chúng ta có thể làm là ngưng uống trà sữa, hạn chế ăn nhà hàng, mua Xiaomi thay vì iPhone 11 Pro Max, v.v

OK, ai chả biết thế, nhưng…

Mình nghĩ là không có gì phải “nhưng” ở đây cả. Ở phần sau mình sẽ chia sẻ vì sao kỷ luật lại vô cùng quan trọng, và các hiểu lầm (myth) mà mọi người thường gặp khi nói về chi tiêu/tiết kiệm.

3. Tiết kiệm (Saving)

Đây rồi, mãi mới vào phần chính. Để nói về phần này, đầu tiên mình sẽ giới thiệu 1 khái niệm cơ bản là Tỷ lệ tiết kiệm (Saving Rate):

1593494079030.png

Cái này cũng đơn giản thôi, tỷ lệ tiết kiệm chính là số tiền hàng tháng bạn tiết kiệm được chia cho tổng thu nhập hàng tháng của bạn. Nguyên tắc cũng không có gì cao siêu cả, đấy là tỷ lệ tiết kiệm càng cao càng tốt (lại captain obvious :D). Để tăng được tỷ lệ tiết kiệm thì chỉ có 2 cách, đấy là áp dụng 2 nguyên tắc phía trên: (i) Tăng thu nhập và/hoặc (ii) Giảm chi tiêu.

Tỷ lệ tiết kiệm bao nhiêu là hợp lý?

Đọc đến đây các bạn thử ngẫm lại xem hiện giờ tỷ lệ tiết kiệm của mình đang ở mức nào. Mình thì không có thống kê cụ thể, nhưng khảo sát nhanh bạn bè đồng trang lứa với mình thì nhìn chung mọi người thường tiết kiệm khoảng 20-40% thu nhập. Theo ý kiến cá nhân của mình, tỷ lệ tiết kiệm lí tưởng phải nằm trong khoảng 40-70%, nếu thu nhập chưa cao thì có thể chấp nhận tiết kiệm khoảng 40%, còn thu nhập cao rồi thì phải cố đạt 60-70% hoặc thậm chí hơn.

Tầm quan trọng của tăng tỷ lệ tiết kiệm

Đoạn này mình xin phép nói chuyện xa xôi bên Mỹ 1 chút. Theo 1 báo cáo của Vanguard (1 tập đoàn đầu tư lớn ở Mỹ), số dư tài khoản tiết kiệm hưu trí trung bình của 1 người Mỹ đến tuổi nghỉ hưu là US$ 104,000 (khoảng 2.5 tỷ VNĐ, nghĩa là chỉ đủ mua 1 chiếc chung cư nho nhỏ tại 1 quận xa xa ở HN/HCM). Con số trung bình này thậm chí còn gây hiểu nhầm bởi có những người Mỹ có thu nhập rất cao so với phần còn lại; nếu nhìn vào số trung vị (median – nghĩa là 50% dân số Mỹ có số dư thấp hơn số này) thì số dư trung vị chỉ là US$ 26,000 (khoảng 600tr VNĐ, chẳng đủ làm được gì mấy). Theo 1 khảo sát khác của GOBankingRates thì có 42% người Mỹ có nguy cơ nghỉ hưu tay trắng (có nghĩa chỉ tích lũy được < US$10,000, ko đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong 1 năm). Lý do là vì người Mỹ không có thói quen tiết kiệm, tỷ lệ tiết kiệm của họ như số liệu dưới đây chỉ khoảng 6-8% (làm 100 đồng tiêu 92 đồng :D). Cho đến khi covid-19 bùng lên tỷ lệ này mới tăng tạm thời lên 33%. Cơ mà có tăng lên 33% trong 1 vài tháng thì cũng không ăn nhằm gì, có lẽ vì vậy nhiều người Mỹ mới đi biểu tình đòi dỡ lệnh phong tỏa sớm để còn đi làm kiếm tiền, và thế là dịch ở Mỹ bây giờ coi như mất kiểm soát, đánh đổi bằng cả trăm nghìn mạng người…

1593494127979.png

Tỷ lệ tiết kiệm ở Mỹ, 2015-2020​
Rồi quay về Việt Nam, mình làm nhanh bảng dưới đây bằng Excel để cho các bạn thấy, sự khác biệt giữa tỷ lệ tiết kiệm 20% và tỷ lệ tiết kiệm 70% là như thế nào. Giả sử chúng ta đặt mục tiêu có 10 tỷ (để mua nhà, mua xe, cho con cái đi học, v.v), thu nhập gia đình hiện tại là 45tr/tháng (ở HN/HCM thì mức này có lẽ là mức trung bình khá), gửi tiết kiệm lấy lãi 7%/năm, lạm phát 5%/năm, tích lũy ban đầu của gia đình là 500tr.

1593494151820.png

Ở mức tiết kiệm 20%, sẽ mất 25 năm để gia đình này có thể tích lũy được 10 tỷ. Tuy nhiên, theo thời gian thì tiền sẽ mất giá vì lạm phát: sau 25 năm nữa với mức lạm phát giả định 5%/năm thì 10 tỷ khi đó chỉ có giá trị chỉ tương đương 2.9 tỷ tại thời điểm hiện tại. Còn ở mức tiết kiệm 70%, sẽ chỉ mất 14 năm để đạt được mục tiêu này, và chiết khấu lạm phát 5%/năm về giá trị hiện tại thì vẫn còn tận hơn 5 tỷ.

Cái bảng trên thực ra chỉ là tính cua trong lỗ, trên thực tế các biến số trong này sẽ thay đổi nhiều chứ không cố định như này. Tuy nhiên mục đích của bảng này không phải là để hướng dẫn mọi người cách kiếm được 10 tỷ, mà chỉ để minh họa tầm quan trọng của việc tăng tỷ lệ tiết kiệm trong quá trình tích lũy tài sản của mỗi cá nhân/gia đình.


Phần Đầu tư (Investing), và Bảo vệ (Protection), mình xin phép chuyển qua phần 2 của bài viết

[Sưu tầm] Tài chính cá nhân / Tài chính gia đình (Phần 2)

kiến thức – Tài chính cá nhân/Tài chính gia đình | theNEXTvoz

Nguồn