Nhật ký · 21/08/2022 0

Dòng hồi ức #1: Trường mẫu giáo

Thời gian trôi qua đủ nhanh để tôi không còn đọng lại được nhiều ký ức về những này tháng non dại lúc trước, nhưng có một vài mẩu chuyện mà tôi cứ nhớ mãi không rõ vì điều gì.

“Giá như có thể có một phát minh đóng chai ký ức, như mùi hương. Và nó không bao giờ phai nhạt, và không bao giờ cũ kỹ. Và sau đó, khi ai đó muốn, chai có thể được mở ra, và nó sẽ giống như sống lại khoảnh khắc đó một lần nữa. “

Trở lại tuổi thơ với trào lưu khoe phiếu bé ngoan thời mẫu giáo

Trường tôi học lúc trước là trường mẫu giáo Phước Long, nằm gần công an Phường, nhưng gần đây nghe nói là khu vực đó đã bị giải tỏa để xây dựng công trình khác, cũng không còn tìm thấy hình ảnh nào từ trên Google nữa, việc này đối với tôi có chút hơi tiếc nuối, vì không còn cơ hội để quay lại thăm nơi đó nữa :((. Tôi học ở đó 2 năm, từ mẫu giáo nhỏ lên tới mẫu giáo lớn, tôi vẫn còn nhớ ngày đầu vào đó mẹ chở tới gửi gắm cho cô, lúc đó là cô Đào, như mọi đứa trẻ khác, tôi bắt đầu nổi khùng rồi gào khóc đòi mẹ. Hồi đó tôi khóc dai tới nỗi sau 1 hồi lâu không nín thì bị tống luôn vào nhà kho rồi đóng cửa lại (tôi nhớ đó là nhà kho vì ở đó tối, có vài cây chổi, và tôi đã chơi với nó cả buổi cho tới khi cô mở cửa cho tôi ra ngoài). Ít lâu sau thì tôi thấy những đứa khác cũng bị nhốt vào đó mỗi khi khóc nhè, nhà kho đó giống như nhà giam nơi mà chúng tôi có thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ về những lần khóc nhè, tôi không nhớ là mình đã vào trong đó bao nhiêu lần trong suốt 2 năm học, đôi khi vẫn ngồi ngẫm nghĩ tự hỏi về số phận của những cây chổi như thế nào rồi.

Hồi đó mỗi sáng đều có một bài tập thể dục, mọi người sau khi xếp hàng ngay ngắn thì cô giáo bật nhạc và lũ chúng tôi tập tập theo bài thể dục, tôi nhớ duy nhất có một ngày bọn tôi không phải tập thể dục, đó là ngày cả lớp đi ngoại khóa tại Viện Hải dương học. Viện Hải dương học là một viện nghiên cứu về biển và sinh vật biển tại Nha Trang, nơi này thì có nuôi, chăm sóc và nghiên cứu nhiều loại sinh vật biển, trong đó có nhiều loài hiếm, và nó hoạt động như một bảo tàng sinh học biển và mở tham quan cho khách du lịch, nếu có dịp tới Nha Trang nhớ nghé nơi này để mở mang tầm mắt nhé. Tôi có dịp tham quan lại Viện Hải dương học khoảng hơn một năm trước, có vẻ qua thời gian cơ sở vật chất đã xuống cấp nhiều và không còn nhiều loài động vật như trước kia nữa nhưng với góc nhìn của một đứa trẻ 5 tuổi, tôi vẫn còn nhớ cảm giác đứng giữa 2 bể cá lớn nó choáng ngợp như thế nào. Có một lần trường mẫu giáo được tài trợ từ P/S, mỗi người được phát một tuýp kem đánh răng vị dâu và một bàn chải màu đỏ. Lúc đó tôi chưa có nhiều tài sản, tuýp kem đó có thể gọi là thứ tài sản quý giá nhất của tôi thời điểm đó. Nhiều đứa đã tìm đến trò ăn kem đánh răng, với bản tính hiếu kì của tôi trước tuýp kem hấp dẫn đó tôi khó tài nào cưỡng lại được, thú thực là nó khá là ngon trừ việc cô giáo phạt đám bọn tôi ngay sau đó.

Về đến nhà, cuộc sống cũng khá yên bình khi đó, có lẽ gánh nặng duy nhất trong cuộc sống của tôi lúc đó là “ăn”. Dù là trên trường hay ở nhà, chiến đấu với tô cơm cũng là điều không dễ dàng, nhất là khi được trao cho khả năng nhõng nhẽo với mẹ và cô giáo. Hồi đó cứ tầm chiều chiều là tôi phải ra trước nhà nhìn dòng người qua lại trong khi được mẹ tôi đút cơm, có lẽ đó là lý do tới tận bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn đặt đít xuống một chiếc ghế đá ven đường, nhìn dòng người bận rộn qua lại mỗi lúc buồn hoặc rảnh rỗi (sau này mới biết ai hướng nội cũng như vậy hết!). Có vài hôm thì tôi được ăn trong nhà, và thứ thay thế đường xá những hôm như vậy là chiếc đầu đĩa VCD, hồi đó không hiểu sao trên thị trường có những đĩa chỉ phát quảng cáo, và bật nó lên chỉ để coi quảng cáo thay thì coi được một thứ gì đó hay ho trên tivi. dù không biết nó có gì thú vị nhưng nó cũng giúp tôi vượt qua cuộc chiến với những tô cơm trong khoảng thời gian dài.

Còn vài dòng muốn viết về chú Dũng gần nhà nữa, nhưng hẹn để sau, vì còn nhiều điều muốn nói về chú.

Ngẫm đi ngẫm lại, thời gian bào mòn đi khá nhiều ký ức tươi đẹp thuở ấu thơ rồi, những cảm giác được làm 1 đứa trẻ con, được chăm bẵm, nâng niu giờ cũng phai phôi phần nào. Viết được nhiêu đây cũng coi như mãn nguyện rồi, cám ơn mọi người đã dành thời gian lướt qua.